Ngày 23/8/2022, nhóm công tác TreeBank đã đến xã Tú Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình để theo dõi, đánh giá đợt cây trồng vào ngày 5/6/2022, trong khuôn khổ ngày hội “Trồng cây – Trồng người”.
Theo đó, nhiều cây đã cao lên 50cm và đang tiếp tục phát triển tốt.
Với phương châm khuyến khích cộng đồng cùng nhau tạo ra các giá trị, và cùng chia sẻ các giá trị đó, kêu gọi cho đi và kết nối những phần cho đi đó thành các giá trị lớn cho xã hội, TreeBank và sự kiện “Trồng cây – Trồng người” đã nhận được sự tin tưởng và hưởng ứng từ các tổ chức/ doanh nghiệp như Cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến (MoMo), Công ty Cổ phần Tập đoàn Gỗ Minh Long và Công ty Truyền thông Toàn cầu OMEGA… Toàn bộ ngân sách đóng góp cho mục đích tặng cây của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cho TreeBank đều được sử dụng 100% để mua cây giống tặng cho các chủ vườn.
Bên cạnh việc đánh giá tình trạng cây trồng, nhóm công tác TreeBank cũng đến với xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La – xã vùng sâu nghèo nhất tỉnh – nơi đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn đang kỳ vọng trồng cây măng Bát Độ để cải thiện sinh kế bền vững.
Từ đây, TreeBank đã lên ý tưởng về một chiến dịch gây quỹ tặng cây giống măng Bát Độ nhiều ý nghĩa khởi đầu từ Sài Gòn tháng 9/2022, đến điểm cuối là rằm tháng giêng (2/2023) tại xã Tân Xuân.
Tổng diện tích quỹ đất có thể trồng măng Bát Độ của xã Tân Xuân là 276ha, trong đó đã trồng được khoảng 70ha còn lại hơn 200ha. Mục tiêu của TreeBank là gây quỹ 50.000 cây giống để giúp người dân trồng thêm tối thiểu 100ha trong năm 2023. Giá trung bình của măng Bát Độ là 16.000 VNĐ/cây giống).
Khởi xướng cuộc thi “Vẽ cây xanh – Tạo sinh kế”, TreeBank đã nhận được hơn 150 bức tranh về thiên nhiên của các bạn nhỏ trên toàn quốc và chọn lọc, phát triển thành bộ lịch 3 Cây Giống để gây quỹ. Với mỗi bộ sản phẩm, bạn sẽ đóng góp 3 cây giống măng Bát Độ cho đồng bào Tân Xuân.
TreeBank hiện đang tiếp tục triển khai các hoạt động tiếp theo trong chiến dịch Tân Xuân. Sáng kiến được kỳ vọng sẽ mở ra một tương lai tạo sinh kế bền vững và cải thiện thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, giảm tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên, và phát triển kinh tế xã hội bền vững tại những địa phương còn khó khăn.